Là một lễ hội lớn, truyền thống văn hóa lịch sử của nhân dân thị trấn Gia Lộc nói riêng cũng như của huyện Gia Lộc nói chung, năm nào cũng vậy cứ chuẩn bị đến ngày tổ chức lễ hội, cấp ủy, chính quyền, BTC lễ hội đền Cuối thị trấn Gia Lộc và đặc biệt là bà con nhân dân thôn Hội Xuyên nói riêng, bà con nhân dân toàn thị trấn Gia Lộc nói
chung đều có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tâm trạng háo hức và coi đó là một sự kiện rất quan trọng và trọng đại của mỗi gia đình, mỗi người dân thị trấn Gia Lộc.
Năm nay Lễ hội đền Cuối 2023 và kỷ niệm 682 năm ngày mất của An Nghĩa Đại Vương Nguyễn Chế Nghĩa được tổ chức trong 3 ngày, khai mạc Lễ hội vào sáng Ngày 10/10 (tức ngày 26/8 âm lịch năm 2023), tại thôn Hội Xuyên (trị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Theo đó, ngày 10.10 dương lịch tổ chức khai mạc lễ hội, ca nhạc, hát quan họ, buổi chiều tổ chức các trò chơi dân gian, buổi tối hát quan họ và trích đoạn vở, ngày 11.10 dương lịch buổi sáng tổ chức lễ rước kiệu truyền thống, buổi chiều tổ chức các trò chơi dân gian( cầu kiều, bắt vịt…), buổi tối giao lưu văn hóa văn nghệ, ngày 12.10 dương lịch, buổi sáng: tổ chức bóng đá mi ni vòng loại, buổi chiều thi đấu bán kết, chung kết và trao giải bóng đá mini, buổi tối biểu diễn văn nghệ và bế mạc lễ hội.
Đền Cuối là nơi thờ tự An Nghĩa Đại Vương Nguyễn Chế Nghĩa – một là danh tướng đời nhà Trần, người con của làng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (nguyên là xã Cối Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu). Nguyễn Chế Nghĩa sinh năm 1265 tại Cối Xuyên (còn gọi Hội Xuyên, nay là thị trấn Gia Lộc). Từ nhỏ ông đã nổi tiếng văn võ toàn tài, thông thạo võ nghệ, đặc biệt là đánh gậy. Năm Thiệu Bảo thứ 6 (1284), quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai, Nguyễn Chế Nghĩa 17 tuổi đến dinh của Trần Hưng Đạo xin đầu quân. Hưng Đạo thử tài thấy Nguyễn Chế Nghĩa bắn cung giỏi phong là “thần tiễn” và khen: “Người này chẳng kém gì Phạm Ngũ Lão, ta lại được thêm một tướng tài”. Ông được Hưng Đạo Vương sai đem dân binh của Lộ Hồng đi chặn giặc ở Nội Bàng, Vạn Kiếp, làm cho chúng phải tiến quân chậm chạp. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ ba (1287 – 1288), Hưng Đạo Vương phong cho Nguyễn Chế Nghĩa làm chánh tướng tiên phong đóng đồn ở Yên Hưng (Quảng Ninh). Khi biết Thoát Hoan chạy theo đường núi, ông cùng Phạm Ngũ Lão mang quân chặn giặc ở Vạn Kiếp, chém chết tướng giặc là Trương Quân ở Nội Bàng.Từ nhỏ ông đã có sức khoẻ lạ thường, giỏi cỡi ngựa, sử dụng giáo dài, thiên văn và binh pháp đều tinh thông, đồng thời lại thích ngâm vịnh và làm thơ. Nhờ thông minh, có tài, lại đùng thời nhà Trần cần người tài giỏi nên ông được đầu quân dưới trướng Phạm Ngũ Lão và tham gia các trận đánh chống quân nhà Nguyên và ở ải Chi Lăng. Ra trận, ông cưỡi ngựa, cầm giáo xông vào giữa đám quân giặc, đánh đâu thắng đấy... Khi giặc dẹp xong, ông được cử làm Khống Bắc đại tướng quân, tước Nghĩa Xuyên công. Nguyễn Chế Nghĩa được ghi nhận là người có tính tình trung hậu, thẳng thắn, không ngại gian lao, nên được coi là một tướng tâm phúc, tài giỏi của nhà Trần. Vua Anh Tông yêu mến, gả con gái yêu là công chúa Ngọc Hoa cho ông. Khi tuổi cao, ông về nghỉ tại quê nhà Hội Xuyên.
Hiện nay nằm trong quần thể di tích đền Cuối còn có chùa La Khởi, giáo trường (nơi An Nghĩa Đại Vương Nguyễn Chế Nghĩa rèn luyện võ nghệ và môn đánh thó cho dân binh), ao chiêm tinh (nơi ngài xem thiên văn để dự đoán thời tiết chỉ cho dân chúng làm ăn) và khu lăng mộ. Lễ hội đền Cuối diễn ra từ ngày 26 đến 28/8 âm lịch. Dù đã 682 năm cùng bao biến đổi thăng trầm của lịch sử song cả phần lễ, phần hội ở đền Cuối vẫn lưu giữ được những nét độc đáo riêng. Phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng rất trang trọng, bài văn tế sử dụng chữ quốc ngữ, dễ hiểu với tất cả mọi người. Sau lễ dâng hương tưởng nhớ công đức của ông, lễ hội diễn ra sối nổi với các màn múa, hát quan họ, cùng nhiều trò chơi như: cờ tướng, đu quay, đập liêu, bắt vịt... Song nét độc đáo của hội đền Cuối là màn biểu diễn đánh thó (một dạng võ gậy). Đây là môn võ cổ truyền mà An Nghĩa Đại Vương Nguyễn Chế Nghĩa rất điêu luyện và đánh thó cũng là linh hồn của lễ hội đền Cuối. Đánh thó được thực hiện với hai người một, mỗi người có một cây gậy dài chừng 1,7m. Trong trò này người cầm trịch (đánh trống thó) là người sành sỏi về thó. Khi trống nổi lên hai bên ra sân, mỗi người múa một bài để chào quan viên. Trong đánh thó, quy định các miếng đánh rất chặt chẽ. Cấm đánh từ đầu xuống cổ, cấm đánh đòn dọc, cấm đánh dóc mía, cấm hất dốc. Đòn đánh từ khuỷu tay trở ra, từ đầu gối trở xuống không được tính điểm, chỉ tính theo dấu vôi trên quần áo do gậy có nhúng vôi ướt chạm vào. Vào cuộc, trống đánh 3 tiếng một, chậm rãi, sau nhanh dần, dồn dập, thúc giục đôi bên hăng hái công thủ, tiếng gậy chan chát, người xem nín thở hồi hộp. Thấy miếng đánh cấm kỵ, người cầm trịch sẽ gõ vào tang trống nhắc nhở, hoặc đánh một hồi dài dừng cuộc chơi nếu phạm luật nghiêm trọng. Những miếng đánh hay, trống sẽ đánh liên hồi khích lệ. Trò đánh thó luôn gây sửng sốt và lưu lại ấn tượng sâu đậm cho du khách.
Để phát huy và nâng cao giá trị lễ hội truyền thống đền Cuối cần tập trung công tác tuyên truyền quảng bá các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của đền, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân, cán bộ trong việc thực hành, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Góp phần Duy trì và phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách đối với các giá trị văn hóa truyền thống lịch sử của đền.
Chuẩn bị chu đáo các điều kiện tổ chức các hoạt động lễ hội; Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lễ hội hấp dẫn, phù hợp thu hút mọi đối tượng du khách, cộng đồng xã hội; Đảm bảo và tăng cường công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông; an toàn vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm; phòng chống dịch bệnh; phòng chống cháy nổ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp mê tín, dị đoan, tệ nạn xã hội hoạt động trong quá trình diễn ra lễ hội góp phần tổ chức lễ hội đền Cuối 2023 thành công và để lại ấn tượng, hình ảnh đẹp trong các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội./.
Thực hiện: Minh Quang