Cụ Đỗ Quang sinh năm 1807, mất năm 1866, ở xã Hoa Điếm (sau đổi tên thành Phương Điếm), huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Sát cánh với Thống tướng Nguyễn Tri Phương

Thành và tỉnh Gia Định - trung tâm và đầu não của đất Nam Kỳ - bị thực dân Pháp đưa quân đến đánh phá từ năm 1859. Người Pháp lúc ấy âm mưu dùng chỗ đất "đầu cầu" này mở rộng sự thôn tính ra toàn Nam Kỳ.

Cố gắng ngăn chặn tham vọng độc địa ấy, từ tháng 8-1860, triều đình vua Tự Đức ở Huế đã cử danh tướng Nguyễn Tri Phương làm "Gia Định Quân thứ Tổng thống Quân vụ đại thần" - đứng đầu việc giữ đất Gia Định bằng quân sự.

Cùng lúc đó, một hội đồng gồm 22 quan chức đại thần cũng tiến cử Đỗ Quang vào Nam, làm "Gia Định Tuần phủ, Đề đốc Quân vụ kiêm lý lương hướng", phụ trách việc hành chính và hậu cần của công cuộc giữ đất Gia Định.

Những người giữ đất: Tuần phủ Đỗ Quang và câu nói bất hủ - Ảnh 1.

Di tích lăng mộ Tuần phủ Đỗ Quang ở thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: MINH CHIẾN)

Thế là, trong khi Thống tướng Nguyễn Tri Phương kỳ công xây dựng đại đồn Kỳ Hòa (Chí Hòa) làm căn cứ ngăn chặn và đánh lại quân Pháp xâm lược bằng quân sự thì Tuần phủ Đỗ Quang - đóng dinh ở Thuận Kiều - vận hành bộ máy hành chính ở Gia Định. Ông huy động lực lượng yêu nước trong nhân dân, đặc biệt là vận động thủ lĩnh các đạo "dân dũng" Trương Định, tham gia công cuộc "Nam Kỳ kháng Pháp" ấy.

Sự hợp tác giữa tuần phủ và thống tướng vào những tháng cuối năm 1860 đã đưa lại hiệu quả tích cực buổi đầu trong việc giữ đất Gia Định, cầm chân và tiêu hao được một số binh lực địch. Thế nhưng, đến khi quân Pháp tập hợp lại và thêm lực lượng, từ ngày 24-2-1861 mở trận đánh lớn vào đại đồn Kỳ Hòa, thì những khó khăn đã xảy ra.

Đại đồn Kỳ Hòa thất thủ sau 2 ngày đêm chiến đấu oanh liệt nhưng tổn thất lớn. Thống tướng Nguyễn Tri Phương trúng đạn, bị thương. Tướng Nguyễn Duy - em ruột cụ Nguyễn Tri Phương - tử trận. Ngày 29-2-1861, đến lượt Thuận Kiều bị địch đánh chiếm...

Trước tình hình xấu đi rất nhanh, Thống tướng Nguyễn Tri Phương ra lệnh rút toàn bộ lực lượng kháng chiến còn lại về Biên Hòa. Và, Tuần phủ Đỗ Quang đã xuất hiện ngay vào lúc ấy.

Tuần phủ Đỗ Quang níu áo Thống tướng Nguyễn Tri Phương, đòi quay trở lại Gia Định đánh tiếp. Song, cụ Nguyễn Tri Phương đã nói với ông: "Đại đồn mất rồi, ở lại đánh sao được?".

Câu trả lời của Tuần phủ Đỗ Quang bật ra ngay: "Tuy đại đồn có mất nhưng còn đất, còn dân, còn đánh được!".

Câu nói bất hủ của Tuần phủ Đỗ Quang lúc bấy giờ bị chìm đi trong khói lửa và cát bụi chiến trường. Tuy nhiên, câu nói đó đã đi vào và mãi mãi hiện hữu trong những trang sử chiến đấu giữ nước của dân tộc!