Bài tuyên truyền kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Gia Lộc (22/6/1946 - 22/6/2023)
I. QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945, TIẾN TỚI THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ HUYỆN GIA LỘC.
1. Quá trình vận động cách mạng tháng Tám năm 1945
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước ta nói chung và Gia Lộc nói riêng, nhân dân phải sống dưới ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến “Một cổ hai chòng”, thuế khoá rất nặng nề, nạn đói, dịch bệnh liên tiếp xảy ra... Triều đình nhà Nguyễn và bọn Thực dân Pháp thi hành chính sách cai trị chuyên chế, hà khắc, bóc lột thậm tệ làm cho nhân dân ta vô cùng điêu đứng, cực khổ, bần hàn…
Sau khi chiếm được Thị xã Hải Dương, thực dân Pháp đặt ách cai trị trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và Gia Lộc nói riêng với chính sách phản động, áp bức nhân dân về chính trị, bóc lột về kinh tế, nô dịch, đầu độc về văn hoá - xã hội... Mâu thuẫn giữa nông dân với chế độ phong kiến, giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược ngày càng trở lên gay gắt.
Năm 1925, tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) do Bác Hồ sáng lập đã ảnh hưởng sâu sắc đối với quần chúng yêu nước. Năm 1929, đồng chí Nguyễn Hới người con ưu tú của quê hương với cương vị là Uỷ viên kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đã về Thượng Cốc (Gia Khánh) và một số nơi khác trong huyện để tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lênin, giác ngộ quần chúng, thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội gồm 11 đồng chí do đồng chí Nguyễn Khoái (tức Lê Thành Lập) phụ trách.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cách mạng, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại, có ảnh hưởng rộng lớn trong cả nước, trong đó có nhân dân Gia Lộc.
Ngày 10 tháng 6 năm 1940, Đảng bộ tỉnh Hải Dương được thành lập, Tỉnh uỷ đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát động nhân dân theo Đảng làm cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Hải Dương và Tỉnh bộ Việt Minh, nhiều thanh niên, học sinh Gia Lộc được tuyên truyền, giác ngộ cách mạng đã gia nhập tổ chức Việt Minh, tích cực hoạt động từ những ngày đầu chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
Đầu năm 1945, Ban cán sự Việt Minh huyện Gia Lộc được thành lập đã xây dựng nhiều cơ sở cách mạng, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi vào ngày 19/8/1945. Chính quyền cách mạng được thành lập ở huyện và cơ sở là kết quả của quá trình đấu tranh kiên cường, bền bỉ, là bước phát triển tất yếu của phong trào cách mạng sục sôi tại huyện nhà.
1. Thành lập các chi bộ Đảng tiến tới thành lập Đảng bộ huyện Gia Lộc (22/6/1946)
Sau khi giành chính quyền, nhiều cán bộ Việt Minh trong huyện được giác ngộ tư tưởng cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp vinh dự được kết nạp vào Đảng như đồng chí Vũ Kim Sa, Nguyễn Ngọc Vũ, Nguyễn Mạnh Hà. Trên cơ sở có 3 đảng viên, tháng 12 năm 1945, Tỉnh uỷ Hải Dương quyết định thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Gia Lộc gồm 03 đảng viên, do đồng chí Vũ Kim Sa làm Bí thư chi bộ.
Đầu năm 1946, tổ chức chính quyền huyện có các đồng chí: Đoàn Văn Hịch, Nguyễn Quý Thạc, Nguyễn Văn Tuyến được kết nạp vào Đảng, Chi bộ chính quyền huyện được thành lập gồm 03 đảng viên do đồng chí Đoàn Văn Hịch làm Bí thư Chi bộ.
Ngày 25/02/1946, chi bộ Thượng Cốc (xã Gia Khánh) được thành lập gồm 03 đảng viên: Nguyễn Ngọc Vũ, Nguyễn Quý Thạc, Phạm Văn Quyện, do đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ làm Bí thư Chi bộ.
Công tác phát triển Đảng lúc này được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, chỉ sau một thời gian ngắn số lượng đảng viên đã tăng lên. Trên cơ sở 3 chi bộ, ngày 22/6/1946 hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Gia Lộc diễn ra tại nhà đồng chí Đoàn Văn Hịch, thôn Phương Xá - xã Gia Hoà (nay là xã Yết Kiêu). Đại biểu tham dự hội nghị có khoảng 20 đồng chí. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 5 đồng chí: Vũ Kim Sa, Trần Đức Nguyên, Nguyễn Ngọc Vũ, Đoàn Văn Hịch, Nguyễn Mạnh Hà, đồng chí Vũ Kim Sa được bầu làm Bí thư Huyện ủy.
Việc thành lập Đảng bộ huyện Gia Lộc đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng trên địa bàn huyện. Sau khi thành lập, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo nhân dân xây dựng, củng cố chính quyền, tập trung khắc phục hậu quả của chính sách cai trị thực dân, phong kiến; khắc phục nạn đói, xóa mù chữ, đấu tranh với các hoạt động chống phá của các tổ chức, đảng phái phản động, sự lộng hành của hàng ngàn quân Tưởng Giới Thạch... với âm mưu lật đổ chính quyền. Để bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng vừa mới giành được, Đảng bộ huyện Gia Lộc đã lãnh đạo toàn dân đoàn kết, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng, tranh thủ thời gian, tích cực củng cố, xây dựng lực lượng mọi mặt, tiến hành hàng loạt nhiệm vụ cấp bách nhằm giữ vững chính quyền trong mọi tình huống.
II. ĐẢNG BỘ HUYỆN GIA LỘC LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN TIẾN HÀNH CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP, ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC, XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC (1954 - 1979)
1. Đảng bộ huyện lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954)
Cuối năm 1946, Thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Huyện uỷ Gia Lộc đã tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối kháng chiến kiến quốc.
Ngày 31/01/1947, địch bí mật hóa trang tập kích đánh vào Phú Tảo (Thạch Khôi). Ngày 13/02/1947, Thực dân Pháp cho quân tiến xuống Phố Cuối (Gia Lộc) nhằm thăm dò lực lượng ta. Tự vệ huyện đã tổ chức đánh chặn địch và tiêu diệt 4 tên...
Trước hành động mở rộng phạm vi lấn chiếm của địch, Huyện ủy triệu tập Hội nghị cán bộ bàn việc thực hiện chỉ thị "Toàn dân kháng chiến" của Trung ương Đảng và phát động nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Huyện ủy chỉ đạo các cơ sở gấp rút tổ chức lực lượng kháng chiến, kiện toàn các cơ sở Đảng, Chính quyền, Mặt trận Việt Minh, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang, trấn áp bọn phản cách mạng, tăng gia sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân. Huyện ủy chỉ đạo thành lập một Đại đội tự vệ tập trung của huyện và xây dựng lực lượng tự vệ chiến đấu ở hầu hết các xã trong huyện...
Đầu năm 1947, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban bảo vệ từ huyện đến xã đổi thành Ủy ban kháng chiến hoạt động cùng Ủy ban hành chính...
Để mở rộng hành lang chiếm đóng và làm chủ các tuyến đường giao thông xung quanh huyện, ngày 20/10/1947 địch tập trung hơn 1.000 quân có xe tăng, đại bác yểm trợ tiến theo đường 17 càn quét một số xã khu trung huyện Gia Lộc, rồi chốt giữ vị trí Phương Điếm.
Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, Gia Lộc là vành đai quan trọng bảo vệ cửa ngõ phía Nam Thị xã Hải Dương và tuyến đường số 5 chiến lược. Hệ thống đồn bốt địch xây dựng dày đặc trên địa bàn huyện. Với lực lượng 2 Binh đoàn chủ lực cơ động, chúng đã tiến hành hơn 2.000 trận càn, gây ra nhiều tội ác hết sức dã man đối với nhân dân ta, giết hại và làm bị thương hơn một vạn người; đốt trụi hơn 3.500 nóc nhà và nhiều tài sản của nhân dân… Trước hành động xâm lược tàn bạo của Thực dân Pháp, cùng với cả nước, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong huyện tiến hành chiến tranh du kích, xây dựng thế trận lòng dân, phá thế kìm kẹp của địch, đã chủ động phối hợp với bộ đội chủ lực đánh hàng trăm trận, tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng hơn 5.000 tên, bắn cháy 4 xe tăng, 96 xe quân sự, phá huỷ hàng chục ngàn tấn phương tiện chiến tranh, đập tan âm mưu “Lập tề đóng bốt” xoá bỏ “Vành đai trắng”... Cùng với việc lãnh đạo chiến đấu, Đảng bộ chú trọng động viên nhân dân tăng gia sản xuất, phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ và chi viện cho chiến trường. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Đảng bộ và nhân dân Gia Lộc đã có những đóng góp xứng đáng sức người, sức của, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954, kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
2. Đảng bộ huyện lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, Đế quốc Mỹ thay chân Thực dân Pháp nhảy vào xâm lược nước ta, mưu toan biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Vì sự sống còn của dân tộc, vì nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân trong huyện đã sát cánh cùng đồng bào cả nước vừa xây dựng hậu phương vững mạnh, vừa chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Từ năm 1955 đến năm 1965, Đảng bộ và nhân dân Gia Lộc đã tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến hành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế, cải tạo XHCN, hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965)... với những thành quả to lớn.
Năm 1964, Đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Đảng bộ và nhân dân Gia Lộc đã nêu cao ý chí “không có gì quý hơn độc lập, tự do” chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, cùng với nhân dân cả nước quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ.
Trong chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, Gia Lộc là địa bàn có vị trí quan trọng, có những tuyến đường giao thông chi viện cho chiến trường, là nơi sơ tán của nhiều cơ quan, trường học của Trung ương và của tỉnh. Nằm trên tuyến đường bay vào, ra để đánh phá Thủ đô Hà Nội và Thị xã Hải Dương của máy bay địch, trên địa bàn huyện được bố trí nhiều trận địa tên lửa, pháo cao xạ, do đó giặc Mỹ đã dùng hàng ngàn lượt máy bay ném bom, đánh hàng trăm trận, rải xuống hàng nghìn tấn bom phá, bom bi, hàng trăm quả Rocket... làm bị chết 75 người, bị thương 87 người, 502 nóc nhà và hàng trăm tấn thóc của nhân dân bị phá hủy... Quán triệt quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng, kiên quyết đánh bại chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, Huyện uỷ Gia Lộc đã phát động phong trào “phòng không nhân dân” và “bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh”. Toàn huyện đã đào đắp hàng vạn hầm hố các loại để phòng tránh, hạn chế tối đa những thiệt hại do máy bay địch gây ra.
Trong thời kỳ này, trên bầu trời Gia Lộc không mấy ngày ngớt tiếng máy bay địch. Hệ thống lưới lửa tầm thấp của dân quân được bố trí dày đặc, tất cả các xã đều có trận địa trực chiến, toàn huyện có 03 cụm chiến đấu lớn với 123 chốt, đã tổ chức đánh địch hàng trăm trận và cơ động đi nhiều nơi theo yêu cầu của Tỉnh đội Hải Dương. Huy động nhân dân tham gia hàng vạn ngày công, đào đắp hàng vạn mét khối đất để xây dựng các trận địa pháo và tên lửa, đào đắp hàng chục km đường đưa pháo vào trận địa, động viên hàng vạn lượt người tham gia phục vụ chiến đấu. Lực lượng dân quân tự vệ trực chiến đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội phòng không bắn rơi 07 máy bay Mỹ.
Đảng bộ và nhân dân Gia Lộc đã giúp đỡ nhà cửa, chăn màn và hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm cho các đơn vị bộ đội, cơ quan, trường học về sơ tán. Huyện uỷ đã huy động dân quân ở 18 xã mang theo nguyên vật liệu làm hoàn chỉnh 76 gian nhà cho đoàn an dưỡng thương binh 155. Đặc biệt trong 12 ngày đêm B52 Mỹ ném bom Hà Nội, phá huỷ Đài tiếng nói Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân Gia Lộc đã huy động hàng ngàn lượt người mang theo vật liệu xây dựng 70 gian nhà, góp phần cùng với cán bộ, công nhân của Đài kịp thời duy trì liên tục “Tiếng nói Việt Nam” đến với đồng bào và chiến sỹ cả nước.
Trong những năm chống chiến tranh phá hoại, Đảng bộ và nhân dân trong huyện không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu mà còn tăng gia sản xuất giỏi với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Gia Lộc luôn là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về sản xuất nông nghiệp, đóng góp cho Nhà nước hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm; toàn huyện có trên 30.000 thanh niên nhập ngũ vào quân đội và thanh niên xung phong tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, 18 năm liền hoàn thành xuất sắc nhất tỉnh chỉ tiêu tuyển quân. Dù trong chiến tranh ác liệt, chính sách hậu phương quân đội luôn được Đảng bộ và nhân dân quan tâm, có nhiều phong trào thiết thực chăm lo gia đình liệt sỹ, chăm sóc thương bệnh binh, thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ tết. Thực hiện điều hoà lương thực cho các gia đình chính sách… chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với đối tượng chính sách được chăm lo chu đáo.
Những đóng góp của quân và dân Gia Lộc đã góp phần cùng cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại đưa cách mạng nước ta chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất tiến lên chủ nghĩa xã hội.
3. Đảng bộ huyện Gia Lộc lãnh đạo nhân dân khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế sau ngày đất nước thống nhất đến khi hợp nhất (5/1975 - 3/1979)
Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội... Nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta được Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 24 (khoá III) họp ngày 29/9/1975 khẳng định: “Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn cách mạng mới là hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội".
Thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới, Gia Lộc có nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn trong việc chuyển từ nhiệm vụ xây dựng quê hương trong thời chiến sang thời bình. Trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Gia Lộc là địa bàn bị địch oanh tạc gây thiệt hại lớn, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề như đường giao thông, cầu cống, nhà ở, nhà kho, bệnh viện, trường học, các cơ sở sản xuất…
Từ tình hình thực tế của địa phương, căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ nhất và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III), Huyện uỷ Gia Lộc đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể. Về nông nghiệp: Tiếp tục giữ vững lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh; phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc theo hướng chuyên canh, thâm canh đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Tích cực tạo điều kiện để đưa chăn nuôi lên ngành sản xuất chính. Tập trung vào sản xuất lúa, cây rau màu, chăn nuôi nhằm đáp ứng ngày một nhiều hơn các yêu cầu về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp, nông sản cho xuất khẩu, lao động cho quốc phòng và các ngành kinh tế khác...
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân Gia Lộc đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế và đạt được kết quả khá toàn diện:
- Huyện Gia Lộc được chọn làm thí điểm về cơ giới hoá nông nghiệp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử sản xuất nông nghiệp, Gia Lộc thực hiện cơ giới hoá khâu làm đất ở mức cao (xấp xỉ 70% diện tích canh tác). Lao động được giải phóng, những suy nghĩ mới và cách làm ăn mới cũng thay đổi từng ngày, theo sự phát triển của cơ giới hoá.
- Lần đầu tiên nông nghiệp, nông thôn Gia Lộc được quy hoạch, mọi tiềm năng, nguồn lực của địa phương được tính toán có căn cứ... đó là các quy hoạch: cơ giới hoá nông nghiệp, giao thông nông thôn, thuỷ lợi.
- Thành công một bước về tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, giải quyết cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu giống lúa, cây rau mầu theo các công thức thâm canh tăng vụ (sản xuất 3 - 4 vụ trong năm), đưa vụ Đông thành vụ sản xuất chính. Huyện Gia Lộc luôn là điểm sáng, là mô hình mẫu cho tỉnh và cả nước tham quan học tập kinh nghiệm...
Sau gần 4 năm kể từ khi đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Gia Lộc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Những thành tựu đó đã góp phần không nhỏ vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế của cả nước nói chung và huyện Gia Lộc nói riêng bước vào công cuộc đổi mới toàn diện.
Đất nước hoà bình chưa được bao lâu, Đảng bộ và nhân dân Gia Lộc cùng nhân dân cả nước lại phải đương đầu với chiến tranh biên giới ác liệt ở phía Bắc, phía Tây Nam và chính sách bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch. Ngày 17/02/1979 chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra. Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố Lệnh tổng động viên trong cả nước nhằm đánh bại quân xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Chủ động trước những diễn biến phức tạp của tình hình biên giới phía Bắc, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Đảng bộ huyện Gia Lộc đã lãnh đạo nhân dân vừa xây dựng quê hương, vừa quyết tâm huy động sức người, sức của góp phần cùng cả nước bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kết thúc các cuộc chiến tranh chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, toàn huyện có 3.219 liệt sỹ được suy tôn, 1.849 thương binh, 797 bệnh binh, 345 bà mẹ được phong, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, tiêu biểu như Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Khay (xã Hồng Hưng) có chồng và 2 con là liệt sĩ. Các mẹ: Đoàn Thị Bàn (xã Thống Nhất), Đoàn Thị Xuyến (xã Lê Lợi), Nguyễn Thị Nghẹ (xã Quang Minh), Nguyễn Thị Viết (xã Gia Khánh), Phùng Thị Tuyết (xã Hồng Hưng) có 3 con là liệt sĩ; trên 10.000 người hoạt động kháng chiến được thưởng Huân, Huy chương và phần thưởng cao quý các loại…Đặc biệt, 5 người con ưu tú của Gia Lộc được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đó là: Anh hùng Phạm Văn Cờ, Phạm Minh Thư, các anh hùng Liệt sĩ Lê Gia Đỉnh, Đặng Bá Hát, Phạm Thanh Bình. Hai người con quê hương Gia Lộc: Đồng chí Vũ Đăng Toàn (xã Yết Kiêu) và Nguyễn Văn Tập (xã Hoàng Diệu) lái xe tăng mang số hiệu 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, là nhân chứng lịch sử trong chiến dịch Hồ Chí Minh; nhân dân và lực lượng vũ trang xã Toàn Thắng, Nhật Tân, Tân Tiến, Thị trấn Gia Lộc vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện nhà được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước”.
III. ĐẢNG BỘ HUYỆN TỨ LỘC LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN CÙNG CẢ NƯỚC XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI, THỰC HIỆN CÔNG NGHIỆP HÓA - HIỆN ĐẠI HÓA (4/1979 - 1996)
1. Đảng bộ huyện Tứ Lộc lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc (4/1979 - 11/1986)
Nhằm xây dựng và tăng cường cấp huyện thành đơn vị quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, làm cho mỗi huyện trở thành một đơn vị kinh tế nông - công nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển và tổ chức lại sản xuất theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Ngày 24/02/1979, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Quyết định số 70/QĐ-CP về việc hợp nhất một số huyện của tỉnh Hải Hưng, trong đó có huyện Tứ Kỳ hợp nhất với huyện Gia Lộc lấy tên là huyện Tứ Lộc.
Thi hành Quyết định của Chính phủ và sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Hải Hưng, sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương về mọi mặt, ngày 01/4/1979 huyện hợp nhất Tứ Lộc chính thức đi vào hoạt động, với 51 xã. Trụ sở huyện đặt tại huyện Gia Lộc cũ thuộc địa bàn xã Nghĩa Hưng và Phương Hưng (nay là Thị trấn Gia Lộc). Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời huyện Tứ Lộc do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng chỉ định gồm 27 đồng chí. Ban Thường vụ Huyện uỷ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Vũ Văn Hách - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc được chỉ định làm Bí thư Huyện uỷ. Các đồng chí: Trần Vân, Bí thư Huyện uỷ Tứ Kỳ làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tứ Lộc; đồng chí Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Bí thư Huyện uỷ Tứ Kỳ làm Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Tứ Lộc. Các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng Huyện ủy, các đoàn thể quần chúng và lực lượng vũ trang được thành lập.
Với ý thức phục tùng tổ chức và sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, việc phân công đã đạt được sự nhất trí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp các Ban của Đảng, các phòng chuyên môn của chính quyền và các đoàn thể quần chúng.
Sau khi ổn định về mặt tổ chức, tư tưởng và đảm bảo các hoạt động trong huyện, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hải Hưng, Đảng bộ huyện Tứ Lộc tổ chức Đại hội lần I từ ngày 26 đến ngày 30/9/1979 tại Hội trường 36 (xã Nghĩa Hưng). Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa I gồm 35 đồng chí, Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 11 đồng chí. Đồng chí Trần Vân được bầu làm Bí thư Huyện ủy, đồng chí Phạm Văn Viết được bầu làm Phó Bí thư phụ trách công tác chính quyền; đồng chí Phạm Quý Tuyên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy.
Trong giai đoạn 1979-1986, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân huyện Tứ Lộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, trọng tâm là kinh tế nông nghiệp, quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh thâm canh, chuyên canh và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chú trọng quản lý, điều hành tốt mô hình quản lý kinh tế tập thể tại địa phương. Đặc biệt, cấp uỷ, chính quyền đã tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương về "Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp". Qua đó, khuyến khích người nông dân tận dụng được mọi tiềm năng lao động, tiền vốn, vật tư cho sản xuất; sử dụng tốt đất đai và các cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có; củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn , góp phần thực
hiện thắng lợi trên 3 mặt: diện tích, năng suất và tổng sản lượng, từng bước ổn định lương thực, thực phẩm.
Song song với lãnh đạo phát triển nông nghiệp, huyện còn quan tâm tổ chức tốt mạng lưới thương nghiệp; tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, tích cực khai khác các nguồn hàng tại chỗ, đảm bảo một số mặt hàng phục vụ sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản và các công trình phúc lợi như trường học, nhà văn hóa, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất... Phong trào "ngói hoá" được đẩy mạnh đã từng bước cải thiện đời sống nhân dân, góp phần thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.
Cùng với việc lãnh đạo phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tích cực. Đến năm 1985, toàn huyện đã có 45 Đảng bộ, Chi bộ cơ sở được công nhận là cơ sở đảng vững mạnh, trong đó có 30 cơ sở đảng được Tỉnh uỷ biểu dương khen thưởng. Công tác bồi dưỡng đảng viên được các cấp uỷ coi trọng. Từ năm 1979 - 1986, toàn Đảng bộ huyện kết nạp được 1.213 đảng viên mới, trong đó 85% là lực lượng trẻ, 50% có trình độ văn hoá THPT và đại học...
2. Đảng bộ và nhân dân huyện Tứ Lộc thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng (1986 - 1996)
Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng thành công tốt đẹp. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện nhằm đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng về kinh tế. Đại hội đã đề ra chủ trương đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, cách nghĩ, cách làm, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế quốc doanh là chủ đạo, chuyển mạnh từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang hoạt động sản xuất kinh doanh xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước. Đại hội đã xác định mục tiêu chung và đề ra 2 nhiệm vụ chiến lược là: Xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Về phát triển kinh tế, Đại hội đề ra 3 Chương trình kinh tế lớn là: Lương thực, thực phẩm - hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu nhằm đạt mục tiêu chủ động về lương thực, có nhiều hàng hoá tiêu dùng phục vụ nhân dân và xuất khẩu. Cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Tứ Lộc bước vào thời kỳ đổi mới. Trên cơ sở những kết quả đạt được, vận dụng đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng, các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện đã kịp thời đổi mới tư duy trong lãnh đạo, quản lý và điều hành, nhạy bén trong thực hiện ba chương trình phát triển kinh tế. Việc lãnh đạo thực hiện ba chương trình kinh tế đã thường xuyên gắn kết với các nhiệm vụ văn hóa - xã hội - an ninh - quốc phòng, đẩy mạnh xây dựng đảng, củng cố chính quyền và các đoàn thể nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân Tứ Lộc tiếp tục phát huy truyền thống thâm canh vùng trọng điểm lúa của tỉnh, tích cực khai thác tiềm năng đất đai và lao động, đóng góp vật tư, tiền vốn tập trung thực hiện nhiệm vụ hàng đầu là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là lương thực, thực phẩm, nguyên liệu để phát triển tiểu thủ công nghiệp, mở rộng ngành nghề....Cùng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện luôn quan tâm đẩy mạnh sự nghiệp phát triển giáo dục, y tế, thể dục thể thao, tổ chức tốt đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xây dựng nông thôn mới, con người mới xã hội chủ nghĩa; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng huyện thành pháo đài bảo vệ Tổ quốc, làm cho huyện từng bước giầu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, có cuộc sống văn minh, góp phần xứng đáng cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.
Bên cạnh việc tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, công tác xây dựng đảng được Đảng bộ huyện quan tâm toàn diện từ công tác chính trị tư tưởng đến công tác tổ chức cán bộ, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, phát triển đảng viên mới; công tác kiểm tra giám sát và tập hợp, vận động quần chúng... Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở từng bước được củng cố; hiệu lực, hiệu quả điều hành, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao.
Thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 1991-1995, bên cạnh những thuận lợi, Đảng bộ và nhân dân huyện Tứ Lộc cũng gặp không ít khó khăn do tác động của tình hình thế giới, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Trong nước nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng. Trước tình hình trên, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện Tứ Lộc tiến hành Đại hội lần thứ V. Đại hội đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đó là: Thực hiện 4 chương trình kinh tế- xã hội: “Lương thực- thực phẩm; chế biến nông sản và làm hàng xuất khẩu; xây dựng kết cấu hạ tầng và xây dựng nông thôn mới; dân số và việc làm”. Dưới sự lãnh đạo đồng bộ, thống nhất của Đảng bộ huyện và nỗ lực không ngừng của nhân dân, sau 5 năm thực hiện: Kinh tế của huyện đã đạt mức tăng trưởng khá cao, nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện, công nghiệp - TTCN phát triển nhanh, kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được cải thiện, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên. Sự nghiệp giáo dục được quan tâm, chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học được đầu tư. Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được chú trọng đúng mức... Đặc biệt 4 chương trình kinh tế - xã hội được thực hiện có hiệu quả.
Sau 17 năm hợp nhất (1979 - 1996), trải qua 5 kỳ Đại hội Đảng bộ huyện (từ lần thứ I đến lần thứ V), những thắng lợi đạt được đã khẳng định yếu tố quyết định sự phát triển của huyện Tứ Lộc là tinh thần đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ. Kết quả đó là nền tảng, tiền đề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân trong huyện vững vàng bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
IV. ĐẢNG BỘ HUYỆN GIA LỘC LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN ĐẨY MẠNH CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, TỪNG BƯỚC TIẾN HÀNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA (Từ khi tái lập huyện Gia Lộc, tháng 3/1996 đến nay)
Sau 27 năm hợp nhất, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đồng thời đáp ứng với tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, ngày 27/01/1996 Chính Phủ ra Nghị định số 05/NĐ-CP về việc chia tách huyện Tứ Lộc để tái lập hai huyện Tứ Kỳ và Gia Lộc.
Ngày 15/02/1996, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Hưng ra Quyết định số 29-QĐ/TU “Về việc giải thể Đảng bộ huyện Tứ Lộc”. Ngày 16/02/1996, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Hưng ra Quyết định số 31-QĐ/TU “Về việc thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lộc” gồm 23 đồng chí, Ban Thường vụ Huyện uỷ gồm 07 đồng chí, Bí thư Huyện uỷ- đồng chí Phạm Văn Viết; Phó Bí thư Huyện uỷ- đồng chí Phạm Đức Hưng; Phó bí thư phụ trách chính quyền- đồng chí Lê Văn Tuyến. Tổ chức bộ máy và cán bộ cơ quan Đảng, đoàn thể của huyện cũng sớm được kiện toàn về tổ chức...
1. Đảng bộ huyện Gia Lộc lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh công cuộc đổi mới (1996 - 2000)
Sau khi tái lập huyện, Đảng bộ và nhân dân Gia Lộc bắt tay vào việc xây dựng huyện mới. Được sự nhất trí của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Hưng, từ ngày 03/4 đến ngày 05/4/1996, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện quyết định triệu tập Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lộc lần thứ XXI tại Nhà Văn hoá trung tâm huyện. Đây là Đại hội đầu tiên sau ngày huyện Gia Lộc được tái lập. Đại hội đã tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tứ Lộc lần thứ V, đánh giá thực trạng tình hình kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Gia Lộc sau khi hợp nhất; xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân 5 năm (1996 - 2000)...
Mặc dù vừa mới được tái lập, phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị, sự năng động, sáng tạo và nỗ lực cố gắng với quyết tâm cao của các tầng lớp nhân dân, kinh tế của huyện đã không ngừng phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, sản xuất nông nghiệp của Gia Lộc nhiều năm đứng đầu toàn tỉnh. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây - con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt cả vật chất lẫn tinh thần, lòng tin của nhân dân đối với Đảng được nâng lên. Sự nghiệp giáo dục được Đảng bộ và nhân dân quan tâm, quan điểm coi giáo dục là "Quốc sách hàng đầu" được chú trọng. Phong trào “xã hội hoá giáo dục” được đẩy mạnh. Chủ trương “kiên cố, cao tầng hoá” trường học phát triển mạnh mẽ... Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư” được các cấp, các ngành và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát động thường xuyên, góp phần giữ vững ổn định về trật tự an ninh trên địa bàn huyện.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được coi trọng. Ngay sau khi tái lập, Đảng bộ huyện đã tập trung củng cố, xây dựng tổ chức Đảng từ huyện xuống cơ sở. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng bộ và coi đây là nhiệm vụ then chốt hàng đầu có tính chất quyết định đến sự lớn mạnh của Đảng bộ cũng như việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
2. Đảng bộ huyện Gia Lộc lãnh đạo nhân dân tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa (từ năm 2000 đến nay)
Trên cơ sở thành quả đã đạt được trong những nhiệm kỳ trước, trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, Đảng bộ huyện Gia Lộc luôn kiên định mục tiêu không ngừng đưa huyện nhà tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, trở thành huyện mạnh về kinh tế, vững về chính trị... Sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân huyện Gia Lộc tiếp tục được thể hiện rõ qua các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII (11/2000), lần thứ XXIII (10/2005), lần thứ XXIV (8/2010), lần thứ XXV (8/2015), lần thứ XXVI (8/2020). Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân toàn huyện trong các nhiệm kỳ trước, qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, giành được những kết quả quan trọng, tạo đà cho giai đoạn phát triển mới.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá và ổn định. Kết quả: năm 2022, tổng giá trị sản xuất tăng 14,4%. Trong đó: Nông nghiệp, thủy sản tăng 2,8%. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản tăng 18,1%. Giá trị các ngành thương mại, dịch tăng 15,2%. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông nghiệp, thủy sản - Công nghiệp, TTCN, XDCB - Dịch vụ tương ứng 14,8% - 50,6%-34,7%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 67 triệu đồng/năm, đạt 103% kế hoạch năm, tăng 12% so với thực hiện năm 2021.
Huyện nhà đẩy mạnh "Quy hoạch và xây dựng vùng hoa, rau quả tập trung theo hướng an toàn tiến tới sạch, ưu tiên các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất phù hợp với kinh tế nông nghiệp ven đô". Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, duy trì các vùng chuyên canh lúa, rau màu an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP. Duy trì 26 vùng gieo cấy lúa tập trung với tổng diện tích 553 ha; 41 vùng rau màu tập trung với tổng diện tích 600 ha.
Chú trọng đẩy mạnh việc xây dựng xã đạt Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu theo bộ tiêu chí của UBND tỉnh ban hành giai đoạn 2021-2026; huyện chủ trương hỗ trợ 5 tỷ/xã đối với các xã đã được công nhận đạt nông thôn mới nâng cao và 3 tỷ đồng/xã đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Năm 2022 hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao toàn huyện lên thành 10/17 xã, đạt tỷ lệ 59%; hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh thẩm định xã Nhật Tân đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, kế hoạch xây dựng 3 xã: Hoàng Diệu, Gia Tân, Tân Tiến đạt Nông thôn mới nâng cao, 2 xã: Phạm trấn, Thống nhất đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện đã có 23 sản phẩm ôcôp, trong đó 18 sản phẩm 3 sao, 7 sản phẩm 4 sao.
Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 14,2%. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục tăng trưởng. Huyện đã tổ chức công bố, công khai Quy hoạch và cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng phân khu xây dựng Khu công nghiệp Gia Lộc.
Giá trị sản xuất ngành xây dựng cơ bản tăng 20,9%. Thực hiện đúng tiến độ các công trình trọng điểm của huyện. Trong năm 2022 đã triển khai xây dựng 20 công trình do huyện làm chủ đầu tư, 34 công trình do xã làm chủ đầu tư và 10 công trình xây dựng do các đơn vị khác làm chủ đầu tư. Đã cấp phép 20 công trình theo quy định.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ. Sự nghiệp giáo dục- đào tạo được quan tâm, quy mô trường lớp được mở rộng, xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng học sinh giỏi có nhiều tiến bộ; số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, THCN đạt cao. Cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa; Mạng lưới y tế được củng cố và phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Chất lượng phòng bệnh, khám chữa bệnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của nhân dân về tự chăm sóc sức khỏe được nâng lên. Các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế được triển khai thực hiện đạt kết quả. Thực hiện tốt công tác truyền thông, vận động lồng ghép với các dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", xây dựng làng, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa tiếp tục được triển khai đạt kết quả tốt...Chất lượng phong trào thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao tiếp tục phát triển. Xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao; đầu tư cơ sở vật chất, các thiết chế văn hoá, thể dục thể thao được quan tâm.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách xã hội, công tác giảm nghèo có nhiều cố gắng. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) giảm. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện,... được đẩy mạnh.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, không có đột xuất bất ngờ, không phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự, không có khiếu kiện vượt cấp đông người. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh. Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" được đẩy mạnh, huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm. Hằng năm, hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân đảm bảo chất lượng tốt, an toàn, đúng luật. Thường xuyên quan tâm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên. Giải quyết kịp thời chế độ cho các đối tượng, thực hiện hiệu quả chính sách hậu phương quân đội, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở luôn được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng tiếp tục được coi trọng và từng bước đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở. Đảng bộ huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt Kết luận 01 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khoá XII), Kết luận 21 – KL/TW (khóa XIII) về công tác xây dựng Đảng. Chú trọng đổi mới việc triển khai học tập nghị quyết của Đảng theo hướng thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, coi trọng xây dựng kế hoạch và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết... Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên được nâng lên, duy trì thực hiện nghiêm quy chế làm việc, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng theo hướng phát huy dân chủ, coi trọng kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Công tác quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên được duy trì có nền nếp; công tác đánh giá chất lượng đảng viên được chú trọng, bình quân hằng năm có 98,68% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (mục tiêu Đại hội đạt 80%); 95% đảng viên trở lên hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ 01/01/2021 đến ngày 20/4/2023 kết nạp 302 quần chúng ưu tú vào Đảng (mục tiêu Đại hội kết nạp từ 100 đến 130 đảng viên/năm; chỉ tiêu tỉnh giao 150 đảng viên/năm).
Công tác kiểm tra, giám sát được coi trọng, chất lượng được nâng lên. Việc lãnh đạo, quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỉ luật đảng được đẩy mạnh; xây dựng và thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát toàn khoá, hằng năm được các cấp ủy đảm bảo đúng thời gian, nội dung, đối tượng.
Công tác dân vận của Đảng tiếp tục được tăng cường. Thường xuyên xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân...
Hoạt động của HĐND được tăng cường và có nhiều đổi mới, nội dung các kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, nghị quyết ban hành sát với tình hình thực tế của địa phương; hoạt động giám sát của HĐND được tăng cường và có nhiều đổi mới, chú trọng giám sát theo chuyên đề. Hoạt động tiếp xúc cử tri được thực hiện tốt hơn, các ý kiến, kiến nghị của cử tri được trả lời, tiếp thu nghiêm túc. Sự phối hợp công tác giữa Thường trực, các ban HĐND với UBND và Ủy ban MTTQ các cấp được duy trì thường xuyên, có hiệu quả... Công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, điều hành của chính quyền các cấp tiếp tục được đẩy mạnh. Chủ động cụ thể hoá các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và nghị quyết của HĐND các cấp bằng các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện; phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh. Tỷ lệ chính quyền cơ sở hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm đạt 80% trở lên.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, quan tâm chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tích cực vận động đoàn viên, hội viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước. Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng được khẳng định trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội... Hằng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt từ 94,4% - 100% (mục tiêu đại hội đạt 92%).
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua; những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong những năm qua, huyện Gia Lộc đã làm tốt công tác lãnh đạo, phát động các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh... phong trào thi đua yêu nước đã gắn liền với đẩy mạnh triển khai thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào: “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, “Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Xây dựng cơ quan văn hóa, kiểu mẫu”, “Dạy tốt, học tốt”; “Thi đua quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”... Công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn huyện đã thúc đẩy được nhiều phong trào thi đua liên tục, rộng khắp và hiệu quả, góp phần động viên, khích lệ, lôi cuốn cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng về ý thức và hành động, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Là huyện có truyền thống yêu nước và sớm có tổ chức cách mạng. Ngay từ năm 1929, trên địa bàn đã có tổ chức Chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội hoạt động. Trải qua 77 năm xây dựng và trưởng thành, khi mới thành lập Đảng bộ có 03 chi bộ với khoảng 20 đảng viên, tính đến nay Đảng bộ huyện có 37 TCCS Đảng và 7.279 đảng viên, trong đó có 3.149 đảng viên vinh dự được tặng Huy hiệu của đảng. Đó là những đảng viên tiêu biểu, những người đã gan góc, dạn dày phấn đấu hy sinh không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Là một Đảng bộ được hình thành, phát triển từ vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, được rèn luyện trong thử thách qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, tỏ rõ bản chất đội tiên phong của giai cấp công nhân, là lực lượng lãnh đạo, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của phong trào cách mạng ở quê hương. Đảng bộ đã không ngừng chỉnh đốn, đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, bảo đảm giành thắng lợi to lớn hơn nữa trong những chặng đường tiếp theo.
Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Gia Lộc vinh dự, tự hào đã nhiều lần được đón các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước về thăm, làm việc. Thể hiện sự quan tâm, ghi nhận đối với những đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Với thành tích đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân Gia Lộc đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương chiến công, 04 Cờ của Chính phủ về phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua của lực lượng vũ trang và phong trào phát triển giao thông nông thôn; Bằng công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2019, Huân chương Lao động hạng Ba và Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ... Trong thành tích chung của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà có sự đóng góp không nhỏ của những tập thể và cá nhân ưu tú. Tiêu biểu như: Anh hùng lao động - giáo sư - nhà giáo nhân dân Vũ Văn Đính xã Hoàng Diệu; Anh hùng lao động Nguyễn Hữu Tươi xã Yết Kiêu; Anh hùng lao động - Nhà giáo nhân dân Đặng Quang Thuần, nguyên hiệu trưởng trường tiểu học Thị trấn Gia Lộc; hàng trăm tập thể, cá nhân trên các lĩnh vực từ huyện đến cơ sở được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và địa phương tặng thưởng Huân, Huy chương, Cờ thi đua suất sắc, Bằng khen. Đây là sự ghi nhận, đánh giá những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân huyện nhà nỗ lực phấn đấu đạt được trong những năm qua.
Hiện nay, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng các cấp trong bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều khó khăn, thử thách. Nhiệm vụ đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân trong huyện là rất to lớn, nặng nề. Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập tự do cho tổ quốc, tinh thần năng động, sáng tạo trong xây dựng quê hương, Đảng bộ và nhân dân Gia Lộc quyết tâm khắc phục những khó khăn, thách thức, phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (22/6/1946 - 22/6/2023) là dịp để các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện ôn lại và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Gia Lộc anh hùng, đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Với niềm tự hào và tin tưởng sâu sắc vào tương lai, nhất định Đảng bộ và nhân dân Gia Lộc sẽ đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!