CHÍNH TRỊ-KINH TẾ
Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng của những thế lực phản động
04/01/2024 08:38:51

Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng của những thế lực phản động
Thời gian gần đây, nhiều vụ đại án có liên quan tham nhũng, tiêu cực được làm sáng tỏ, nhiều quan chức cấp cao trong Đảng, Nhà nước bị xử lý cho thấy sự nghiêm minh của luật pháp, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị làm trong sạch bộ máy Nhà nước, được nhân dân cả nước ghi nhận. Ấy vậy mà các thế lực phản động lại vin vào đó để đánh tráo khái niệm, xuyên tạc công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam với luận điệu cho rằng thời gian gần đây “số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố tăng” tương đương với việc “tham nhũng tăng trưởng”. Để làm rõ luận điệu xuyên tạc của các tổ chức phản động cũng như hiểu rõ hơn về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giới hạn một bài viết, chúng ta cùng nhìn nhận một số vấn đề sau:
Thứ nhất, hai cụm từ “số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố tăng” và “tham nhũng tăng trưởng” không thể đánh đồng. “Tham nhũng tăng trưởng” để chỉ số đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng cũng như số vụ việc tham nhũng ngày càng gia tăng. Trong khi đó “Số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố tăng” để chỉ việc cơ quan chức năng khám phá và làm rõ ngày càng nhiều vụ án tham nhũng, điều đó cho thấy kết quả của cả quá trình nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng, khoa học, bài bản của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Rõ ràng đây là hai phạm trù khác nhau hoàn toàn, không có bất kì sự liên hệ nào.
Thứ hai, sự mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả khả quan. Khẩu hiệu “chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào” đã thực sự trở thành câu nói cảnh tỉnh cho bất kì đối tượng nào có ý đồ thực hiện hành vi tham nhũng. Bởi như chúng ta đã biết, chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng là những người có chức vụ hoặc quyền hạn, có học thức, có địa vị xã hội và có các mối quan hệ xã hội rộng lớn nên khi họ thực hiện hành vi tham nhũng thường sẽ rất tinh vi và khó bị khai thác. Ấy vậy mà trong thời gian ngắn, rất nhiều vụ án tham nhũng tại Việt Nam được làm sáng tỏ, nhiều quan chức giữ chức vụ rất cao đang đương chức và đã nghỉ hưu (chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư, Chủ tịch, tướng lĩnh trong các lực lượng vũ trang, …), có địa vị xã hội rất lớn cũng không thể thoát khỏi vòng pháp luật, có trốn chạy cũng không thoát được, trốn ra nước ngoài cũng bắt về hoặc xét xử vắng mặt mà không thể nào trốn tránh, thu hồi rất nhiều tài sản thất thoát cho Nhà nước.
Thứ ba, hành lang pháp lý cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ngày càng hoàn thiện. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã có hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, 300 bộ luật và hơn 2.000 văn bản từ Chính phủ đề cập tới chống tham nhũng. Điển hình năm 2018, Quốc hội đã xây dựng dự thảo, ban hành Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung), có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 với 10 chương 96 điều tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong đó điểm nổi bật là việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan xảy ra tham nhũng, kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách, qua đó phát huy được trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu của thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Hiện nay, công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật trong phòng, chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm khi Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện các dự án, dự thảo luật liên quan đến lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát tối cao về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giám sát tư pháp…
Thứ tư, thực tế công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam đã có những thành tích rất nổi bật và được Thế giới ghi nhận khi chỉ trong vài năm (từ năm 2018 đến năm 2022), chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) tại Việt Nam đã tăng đến 9 điểm (mức điểm càng cao cho thấy cảm nhận về tham nhũng càng thấp) và Việt Nam được Tổ chức Minh bạch Quốc tế - TI đánh giá là một trong số 6 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội trong cảm nhận về tham nhũng. Rõ ràng đó là những con số biết nói, cho thấy kết quả nổi bật trước đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Có một sự thật phũ phàng là tham nhũng luôn tồn tại dù có là bất kì quốc gia nào, bất kì chế độ nào. Tham nhũng là giặc, âm thầm phá hoại cách mạng của ta như tằm ăn lá, nhưng “các tổ chức phản động” cũng là giặc, âm thầm lợi dụng các sự kiện chính trị trong nước và quốc tế để thực hiện các âm mưu, ý đồ phá hoại cách mạng của ta. Việc các tổ chức phản động lợi dụng công tác phòng chống tham nhũng hay những sự kiện khác để xuyên tạc, đả phá chính quyền là việc diễn ra thường xuyên. Điều trọng nhất là các bạn độc giả cần phải nâng cao cảnh giác đối với những tổ chức này.
Có thể là hình ảnh về điện thoại và văn bản
Tất cả cảm xúc:
1

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THỊ TRẤN GIA LỘC - HUYỆN GIA LỘC

Trưởng Ban Biên tập: Bùi Đức Thập

Địa chỉ: Phó chủ tịch UBND thị trấn Gia Lộc

Điện thoại: 02203715491

Email: ......

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 1
Hôm nay: 3
Tất cả: 151,398